-
- Tổng tiền thanh toán:
KHÔNG THAM LAM - NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC số 9
Tác giả: Sưu Tầm Ngày đăng: 18/05/2023
KHÔNG THAM LAM
Không tham lam là một yếu tố quan trọng của đạo đức.
Tham lam là muốn có nhiều về cho mình. Cái muốn có đầu tiên là tài sản vật chất, cái tham đầu tiên là tiền bạc. Tham tiền là cái tham cơ bản. Tiền bạc là đại diện cho mọi thứ tài sản khác, nên tham tiền là tham tài sản.
Tham lam là một bản năng tự nhiên do bản ngã tạo thành. Ai cũng tự nhiên thích có nhiều sở hữu, nhất là tài sản. Ai cũng có cảm giác rằng có nhiều tài sản là hạnh phúc. Nhiều khi không cần mua sắm chi tiêu gì, chỉ cần có nhiều tiền bạc vòng vàng trong tủ là đã khiến người ta sung sướng. Có người bảo vệ cái cảm giác sung sướng đó đến nỗi thà sống vất vả cực khổ quyết không xài đến một đồng nào. Đối với hạng người hà tiện cực đoan này, ăn ngon cũng không hạnh phúc bằng có nhiều tiền trong tủ.
Rồi để có được nhiều tiền trong tủ, người ta lắm khi phải làm chuyện thất đức, ác độc. Lừa đảo, cướp giật, giết hại, bóc lột, gài bẫy, hành hạ, gian dối, ức hiếp, bợ đỡ, luồn cúi, đủ thứ điều tệ hại. Tiền xài rồi cũng hết, nhưng tội thì không hết, chờ luật Nhân quả đem lại quả báo đau khổ cho công bằng.
Với nội tâm tham lam, bên ngoài thì gây hại cho tha nhân, bên trong thì làm hại tâm hồn mình. Tâm hồn người tham lam chỉ là bất an căng thẳng động loạn. Khi phước kiếp trước còn thì người này tham cái gì sẽ chiếm được cái đó. Chiếm được, sở hữu được, làm cho người đó có cảm giác thỏa mãn sung sướng. Nhưng cái thoả mãn sung sướng đó làm nội tâm bất an. Đạo đức thì xuống cấp, phước thì hao tổn.
Người đi tìm đạo đức thì phải diệt trừ tâm tham lam này. Còn tham lam thì không thể có đạo đức.
Muốn diệt trừ tâm tham lam này thì phải tập sống tử tế, tập san sẻ, tập giúp đỡ, tập cứu giúp. Ban đầu ta chỉ san sẻ vì tin luật Nhân quả công bằng sẽ đem lại phúc lành mai sau. Đây cũng là một biến thể của lòng tham, nhưng tốt hơn. Muốn có cho mình thì phải có cho người trước. Sau này khi đạo đức tăng trưởng, ta sẽ san sẻ chỉ vì yêu thương, không quan tâm quả báo nữa.
Ta phải quỳ trước những vị thánh nào mà ta tôn thờ, xin vị đó hỗ trợ giúp ta diệt trừ tâm tham lam. Mà quả thật, có sự trợ giúp vô hình của thần thánh thì ta dễ diệt trừ tâm tham lam hơn, vì bản năng tham lam rất mạnh, tự mình phá khó xong.
Ta cũng ngưỡng mộ, ca ngợi những tấm gương Không tham lam có thực trong cuộc sống. Quy luật Nhân quả là vậy, ta ca ngợi ai với phẩm chất cao quý nào thì ta sẽ dần dần thành tựu phẩm chất đó. Em này đã nhặt ví tiền rồi trả lại. Ông nọ đã hiến đất làm đường. Bà kia đã cho đi phần lớn tài sản làm từ thiện... Tìm và khen ngợi rộng rãi những tấm gương có thật như thế.
Cuối cùng thì ta phải tập thiền định để diệt trừ tâm tham lam nằm trong tâm thức thẳm sâu. Tâm nhập được định sâu thì hết tham lam.
Ai cũng phải cố gắng diệt trừ tâm tham lam của mình để đừng tạo nên tội lỗi, nhất là những người có cơ hội hơn người khác. Người giữ tiền quỹ, người có quyền lực, người được quần chúng yêu mến, người có tài năng, người giữ tài liệu bí mật... đều là những người có cơ hội kiếm tiền bất chính. Những người như thế càng phải tu dưỡng rất nhiều để đừng có tham lam.
Tài sản nào rồi cũng bỏ lại, chỉ có tội phước đem theo. Tham lam gì rồi cũng bất an, chỉ có sống với lương tâm mới làm ta hạnh phúc.
- Tác giả: TS.Vương Tấn Việt -