Công Ty Cổ Phần Chế Biến Thực Phẩm Robis

KHIÊM TỐN - NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC số 7

Tác giả: Sưu Tầm Ngày đăng: 18/05/2023

KHIÊM TỐN

Người đạo đức buộc phải là người Khiêm tốn, không có kiêu ngạo. Khiêm tốn nghĩa là nghĩ rằng mình vẫn còn kém dở. Kiêu ngạo nghĩa là nghĩ rằng mình đã tài giỏi. Từ cái suy nghĩ cho rằng mình vẫn còn kém dở của người Khiêm tốn, một cái tình cảm tốt đẹp sẽ xuất hiện, đó là lòng tôn trọng mọi người. Ngược lại, người kiêu ngạo, cho rằng mình đã tài giỏi, sẽ xuất hiện một tình cảm tiêu cực, đó là khinh thường nhiều người chung quanh.

Từ cái tình cảm tôn trọng mọi người, người khiêm tốn sẽ tự nhiên hiện ra nét mặt, lời nói, cử chỉ bày tỏ sự tôn trọng đó, khiến mọi người vui lòng. Ngược lại, người kiêu ngạo, dù có kềm chế thế nào, rồi cũng bộc lộ cái khinh thường mọi người và gây sự bất bình căm ghét của nhiều người.

Nhưng chưa đợi mọi người ghét, cái não của người kiêu ngạo đã không chịu đựng nổi sự kiêu ngạo của chính nó. Những ý nghĩ tự khen mình, lén chê người, lâu ngày làm biến dạng não bộ. Nhiều neuron thần kinh bị hủy hoại, nhiều chức năng quan trọng của não bị biến mất.

Một chức năng quan trọng của não là kềm giữ ý nghĩ tự do tuôn trào làm căng thẳng não vô ích. Nhưng ý niệm tự cao sẽ phá mất chức năng này, khiến cho não rơi vào tình trạng suy nghĩ không dừng được, stress, mất ngủ, nhức đầu, giảm trí nhớ, không tập trung vào công việc được, và mệt mỏi toàn thân.

Một chức năng quan trọng của não là khống chế các ham muốn bậy bạ giúp cho con người biết sống đàng hoàng có tư cách pháp nhân. Nhưng ý niệm tự cao đã dần phá mất chức năng này, khiến cho người đó bị các ham muốn bậy bạ thúc đẩy dữ dội. Người này bỗng nhiên ham muốn tình dục nhiều hơn, ham muốn đến nỗi vượt qua các giới hạn của thiên nhiên và luật pháp. Khi đã vi phạm tội lỗi về tình dục rồi thì danh dự mất hết.

Một chức năng quan trọng khác của não bộ là khả năng học tập rèn luyện và phát triển tài năng. Nhưng ý niệm tự cao đã giết chết chức năng này, khiến cho người đó rơi vào cảnh bị bất tài vô dụng.

Ý niệm tự khen mình, lén chê người, gây ra rất nhiều bất lợi cho não bộ là như thế. Ngoài ra, tâm lý tự cao còn tạo ra quả báo xui rủi. Người tự cao hay bị rơi vào tình thế bất hạnh, thất bại. Có cố gắng gì rồi việc cũng hỏng.

Ngược lại, tâm lý Khiêm tốn làm khai phóng não bộ lên tầng cao mới. Người khiêm tốn từ từ thông minh hơn, kềm chế được các tật xấu, tâm an vui nhẹ nhàng. Người khiêm tốn dễ được hoàn cảnh thuận lợi do Luật Nhân quả đem đến. Người khiêm tốn cũng dễ thủ đắc gương mặt duyên dáng khả ái.

Người nào đã bị tâm lý kiêu ngạo rồi thì rất khó sửa, cứ khăng khăng lì lợm giữ quan điểm của mình, chê bai đủ thứ, vừa làm mất lòng mọi người, vừa phá hại não bộ của mình. Chỉ khi nào người đó tự thấy cái nguy hiểm của tâm lý kiêu ngạo, quyết tâm sửa chữa, thì mới bắt đầu chiến đấu vất vả. Mỗi ngày quỳ trước vị thần thánh nào mà mình tôn kính, xin hứa sẽ từ bỏ tâm kiêu ngạo, và cũng xin vị đó trợ giúp âm thầm cho mình bỏ được tâm tự cao. Xin hứa sẽ tôn trọng mọi người, xin hứa sẽ luôn hiểu mình còn kém cỏi. Ngày nào cùng quỳ xin như vậy.

Vậy mà khi tiếp xúc với mọi người, quên một chút là tâm kiêu ngạo trỗi dậy liền. Khó lắm.

Chuyển từ tâm kiêu ngạo sang tâm khiêm tốn là cực kì vất vả. Nhưng phải thay đổi nếu ta không muốn mình rơi vào địa ngục.

Chuyển được rồi, khiêm tốn được rồi, thấy mình dở kém rồi, thì phần thưởng đầu tiên là tâm ta thanh thản hơn trước rất nhiều.

Rồi nhiều điều tốt đẹp sẽ đến dần dần mãi.

- Tác giả: TS.Vương Tấn Việt -

Bạn đang xem: KHIÊM TỐN - NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC số 7
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: