-
- Tổng tiền thanh toán:
CAN ĐẢN - NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC số 26
Tác giả: Sưu Tầm Ngày đăng: 16/06/2023
CAN ĐẢM
Can đảm là dám làm những việc khó khăn nguy hiểm, nhất là những việc chính đáng, nghĩa khí, cao thượng. Dĩ nhiên những kẻ dám làm bậy như lẻn vào nhà người ta, dám giết người vô tội, thì cũng là gan lì lắm, nhưng không ai muốn dùng mỹ từ can đảm khen hắn. Mỹ từ can đảm chỉ dùng cho những anh hùng mà thôi.
Lính cứu hoả băng qua ngọn lửa tìm người mắc kẹt. Em học sinh nhảy xuống sông kéo bạn vào bờ. Người dân cầm gậy gộc ngăn cản lâm tặc phá rừng. Người chiến sĩ vừa chạy vừa nhả đạn về phía địch để dụ địch xoay súng bắn mình nhằm tạo cơ hội cho đồng đội rút thoát. Nhà thám hiểm dò dẫm tiến vào hang động mà không biết mình sẽ gặp phải cái gì phía trước. Cụ già đưa luôn ổ bánh mì sắp ăn cho người đói hơn mình và mình chấp nhận nhịn đói tiếp tục... Trong cuộc sống này nhiều người, nhiều tình huống, nhiều hoàn cảnh cần sự can đảm lắm. Nhờ có những người can đảm dám làm những việc khó khăn nguy hiểm mà loài người tồn tại đi lên.
Làm được việc thiện là đã có đạo đức rồi. Nhưng làm được việc thiện trong điều kiện khó khăn nguy hiểm thì cái mức độ đạo đức đó là rất cao. Giúp người nhưng có thể hại mình, sự thử thách là rất lớn.
Có hai người cùng trông thấy một cô gái té xuống sông. Một người kêu gọi cứu giúp, người kia nhảy xuống sông tìm vớt cô gái. Ta sẽ cho rằng người dám nhảy xuống sông cứu cô gái là người can đảm, và thiện tâm mạnh hơn. Nhưng khoan đánh giá vội. Người không nhảy xuống cứu có thể còn có lý do chính đáng, anh không biết bơi, nhảy xuống chết thêm một mạng vô ích. Anh là trụ cột cho sự sống của nhiều người khác. Anh đang giữ bí mật quan trọng của quốc gia vân vân... Tóm lại anh không được liều lĩnh vì cô gái kia, anh chỉ được tri hô cầu cứu mà thôi. Vì thế ta không so sánh về đạo đức ở đây. Tuy nhiên, người nhảy xuống sông tìm cứu cô gái thì rõ ràng là rất can đảm, rất có tâm nghĩa hiệp.
Vì việc nghĩa mà làm, không sợ khó khăn nguy hiểm để làm, người này được gọi là can đảm. Nếu mức độ nguy hiểm cao, nếu việc thiện rất lớn, thì người này sẽ được mọi người ca tụng là anh hùng. Vậy anh hùng chính là những người can đảm, dám làm việc nghĩa lớn trong hoàn cảnh rất khó khăn nguy hiểm. Thường thì các anh hùng như vậy chết sẽ làm các vị thần, vì tinh thần mạnh mẽ vững vàng quá. Nếu có chấp công, có kể công thì lúc nào trở lại làm người sẽ là người ngang tàng ăn to nói lớn ai cũng khiếp. Nếu anh hùng mà không chấp công kể công thì làm vị thần đầy uy lực trong cõi bên kia.
Người can đảm là người có sức mạnh tinh thần lớn, mới có thể không sợ hãi trước khó khăn nguy hiểm. Nhưng để có được sức mạnh tinh thần đó thì người này phải tích lũy phúc trong thời gian dài. Siêng năng làm từng việc thiện nho nhỏ, chịu khó làm mãi, cộng thêm với việc ngưỡng mộ các bậc anh hùng tiền bối, thì tinh thần sẽ mạnh lên dần dần. Khi tinh thần đủ mạnh thì sự can đảm sẽ xuất hiện. Có can đảm rồi thì mới dám làm việc nghĩa trong hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Đứng trước một việc nghĩa, ta có quyền chọn làm hay không làm. Nếu làm thì ta được phúc, và cái phúc đó kéo theo nhiều hệ quả tốt đẹp kèm theo. Ví dụ ta có quyền bỏ đi luôn khi thấy cảnh một gia đình đứng khóc trước ngôi nhà cháy tiêu, hoặc ta chọn lựa đến hỏi han và tìm đủ cách giúp đỡ. Để giúp đỡ gia đình này ta phải tốn kém rất nhiều công sức tiền bạc và thời gian. Sau khi giúp, ta có phước không biết chừng nào hưởng, nhưng có rất nhiều hệ quả tốt đẹp kéo theo bất ngờ như ta bỗng thông minh hơn, mạnh mẽ hơn, gạt bỏ được một mớ bạn xấu ra...
Còn nếu ta chọn bỏ qua, không giúp đỡ, thì cũng có rất nhiều hệ quả xấu xuất hiện bất ngờ, như ta kém thông mình đi, ý chí bạc nhược dần, mắt mờ hẳn, mưu tính việc gì cũng khó thành.
Vì thế, hãy chọn làm từng chút những việc nghĩa, nuôi dưỡng phúc đức dày lên, để đạo đức can đảm xuất hiện trong phẩm chất của ta. Thiếu đạo đức can đảm, ta vẫn thiếu phẩm chất làm người.
- TS. Vương Tấn Việt -